Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Thời gian qua, sự phát triển của ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản đã giúp ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm về nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh cây lúa, cây ăn trái bà con nơi đây coi nuôi trồng thủy sản là thế mạnh kinh tế đặc biệt.
Việc xây dựng các mô hình trình diễn, đào tạo, giới thiệu, thông tin tuyên truyền nhân rộng các mô hình điển hình ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang tính thuyết phục cao khi người nông dân được tận mắt nhìn thấy những kết quả sản xuất nông nghiệp qua việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới. Từ đó họ tin tưởng và tự quyết định làm theo. Mô hình còn thu hút nhiều nông dân ở những nơi khác đến tham quan, học tập và áp dụng.
Ông Tiêu nhấn mạnh, việc ứng dụng khoa học – công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp nói chung và nuôi tôm nói riêng được triển khai hiệu quả trong thời gian qua. Ngoài nâng cao năng suất, tăng chất lượng thủy sản, những chỉ số về môi trường, dịch bệnh cũng được khắc phục đáng kể.
Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình chuyển giao công nghệ, cập nhật mô hình sản xuất tiên tiến, giới thiệu giải pháp kỹ thuật, giúp người nông dân từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất vốn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu sang những mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời liên kết với doanh nghiệp nhằm đảm bảo đầu vào cả đầu ra thuận lợi.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0 kết hợp hầm biogas xử lý môi trường được triển khai tại tỉnh Trà Vinh là điển hình. Tại đây Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xây dựng 3 mô hình, quy mô 2ha/mô hình, mỗi mô hình xây dựng 2 điểm trình diễn quy mô 1 ha/điểm (gồm ao nuôi giai đoạn 1 là 150m, ao nuôi giai đoạn 2 là 1.500 m và hệ thống ao chứa, lắng, xử lý cùng các công trình phụ trợ khác).
Chất thải ao nuôi được đưa vào hầm biogas nên ít tác động xấu đến môi trường nước xung quanh so với nuôi theo quy trình truyền thống hiện nay. Năng suất tôm đạt trên 20 tấn/ha/vụ, hệ số thức ăn dưới 1.2. Bên cạnh đó mô hình còn lắp đặt hệ thống giám sát cảnh báo môi trường ao nuôi và hầm biogas. Có thể nói áp dụng công nghệ mới trong nuôi tôm đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường đem lại hiệu quả cao.
Kế đến hiệu quả mô hình nuôi cá chạch lấu trong vèo (đặt trong ao đất) có sử dụng hệ thống sục khí nano của nông dân Trần Hồng Thái, xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu (An Giang).
Ông Thái có nghề ương cá tra giống đã hơn 30 năm. Song 2 năm qua nghề ương nuôi cá tra giống gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng giá cả thị trường, dịch Covid 19… Trước những khó khăn đó ông quyết định chuyển sang nuôi thương phẩm cá chạch lấu trong vèo kết hợp sục khí nano. Hơn 1 tháng nuôi ông nhận thấy đây là mô hình nuôi khá hiệu quả.
Với diện tích ao 1.000m2, ông bố trí 4 vèo, mỗi vèo 16m2 có sục khí bằng công nghệ nano. Sau khi bơm nước vào ao với độ sâu 3,5m được 15 ngày (nguồn nước nuôi là nước giếng) thì tiến hành thả giống.
Ông Thái thả 6.000 con giống cá chạch lấu, trọng lượng trung bình là 5gram/con (200 con/kg), mỗi vèo 1.500 con. Sau 2 ngày thả thì cho cá ăn. Trong tuần đầu cho ăn 2 lần/ngày, mỗi lần ăn 3kg thức ăn công nghiệp. Lúc đầu cá còn nhỏ, thức ăn công nghiệp được xay nhuyễn rồi bổ sung thêm men tiêu hóa và vitamin C, trộn đều. Bên ngoài vèo nuôi thêm một ít cá sặc rằn, cá tra để chúng tận dụng thức ăn dư thừa của cá chạch lấu.
Sau hơn một tháng nuôi cá chạch lấu đạt 65-70 con/kg. Hiện lượng thức ăn mỗi ngày 7,5 kg. Cá rất đẹp, đều, phát triển tốt.
Ông Thái cho biết, áp dụng công nghệ sục khí nano trong ao nuôi là một công nghệ rất tuyệt vời, giúp cá mau lớn, ít bệnh, ít hao hụt. Trong khi đó hệ thống sục khí liên tục 24/24 tỷ số tiêu hao lượng điện khoảng 1 giờ là 0,4 KW, hệ thống này có thể điều chỉnh sục khí mạnh yếu tùy theo ý muốn.